TUYỂN DỤNG
Trang chủ   >  TUYỂN DỤNG  >   Thông tin hữu ích
Thông tin hữu ích

TUYỂN DỤNG

Kênh liên lạc, tiếp đón các nhà khoa học xuất sắc muốn về làm việc tại ĐHQGHN?

Tiêu chuẩn tuyển dụng giảng viên tại ĐHQGHN?

Quy trình tuyển dụng giảng viên tại ĐHQGHN?

Chính sách thu hút nhà khoa học xuất sắc tại ĐHQGHN?

Tiêu chuẩn tuyển dụng nghiên cứu viên tại ĐHQGHN?

Quy trình tuyển dụng nghiên cứu viên tại ĐHQGHN?

BỔ NHIỆM

Tiêu chuẩn bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tại ĐHQGHN?

Quy trình bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tại ĐHQGHN?

ĐỊNH MỨC GIỜ LÀM VIỆC

Định mức giờ làm việc của giảng viên tại ĐHQGHN?

Định mức giờ làm việc của nghiên cứu viên tại ĐHQGHN?

THÔNG TIN HỮU ÍCH KHÁC

Định hướng nhiệm vụ khoa học và công nghệ ưu tiên của ĐHQGHN?

Các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN?

Số lượng cán bộ, giảng viên của ĐHQGHN?

 

I. TUYỂN DỤNG

Kênh liên lạc, tiếp đón các nhà khoa học xuất sắc muốn về làm việc tại ĐHQGHN?

Các nhà khoa học quan tâm, xin liên hệ theo địa chỉ:

Ban triển khai Đề án Phát triển đội ngũ nhà khoa học trình độ cao, nhà khoa học đầu ngành tại ĐHQGHN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Phòng A204, Tòa nhà điều hành, ĐHQGHN, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội.

Điện thoại: 84-4-3754.7670, số máy lẻ: 224 (Ms. Hạnh).

Email: tccb@vnu.edu.vn

 

Tiêu chuẩn tuyển dụng giảng viên tại ĐHQGHN?

Tiêu chuẩn chuyên môn:

a) Đối với giảng viên các ngành, chuyên ngành

* Tiêu chuẩn chuyên môn:

- Có học vị tiến sĩ chuyên ngành phù hợp với yêu cầu tuyển dụng.

Đối với một số ngành đào tạo đặc thù, khó tuyển có thể tuyển dụng giảng viên có học vị thạc sĩ loại giỏi hoặc tương đương trở lên, đúng chuyên ngành cần tuyển; cam kết có bằng hoặc quyết định công nhận học vị tiến sĩ trong 4 năm kể từ ngày được tuyển dụng.

- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên.

- Có khả năng NCKH: Là tác giả duy nhất hoặc đứng tên đầu bài viết (đối với các tạp chí không sắp xếp tên tác giả theo thứ tự ABC) được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành có mã số chuẩn ISSN hoặc chương sách giáo trình hoặc chuyên khảo được xuất bản bởi nhà xuất bản có mã số chuẩn ISBN. Cam kết có bài báo khoa học đăng trên kỷ yếu hội nghị hoặc hội thảo quốc tế của nhà xuất bản nước ngoài có mã số chuẩn quốc tế ISBN hoặc tương đương trở lên trước khi kết thúc hợp đồng làm việc lần đầu.

* Các tiêu chuẩn khác:

-  Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng thành thạo ngoại ngữ phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

b) Đối với giảng viên giáo dục thể chất và thể thao

- Có học vị thạc sĩ chuyên ngành phù hợp với yêu cầu tuyển dụng hoặc tốt nghiệp đại học hệ chính quy đạt loại khá trở lên, chuyên ngành phù hợp với yêu cầu tuyển dụng và có thành tích trong hoạt động thể dục, thể thao từ cấp thành phố trở lên.

- Sử dụng tốt ngoại ngữ phục vụ giảng dạy, NCKH

 

Quy trình tuyển dụng giảng viên tại ĐHQGHN?

- Đăng ký ứng tuyển theo đường link ở cuối Thông báo tuyển dụng của từng vị trí tại Mục Vị trí tuyển dụng. Hồ sơ ứng viên sẽ được chuyển trực tiếp về các đơn vị đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN (gọi tắt là đơn vị).

Nếu chưa có vị trí phù hợp, ứng viên có thể đăng ký, gửi hồ sơ vào Ngân hàng ứng viên của ĐHQGHN tại mục Đăng ký ứng tuyển, hợp tác.

- Phòng, bộ phận tổ chức nhân sự của đơn vị sẽ tuyển chọn và thẩm định hồ sơ. Trường hợp cần thiết sẽ làm việc với với Thủ trưởng đơn vị/Chủ nhiệm Khoa/Bộ môn....để tuyển chọn hồ sơ.

- Đơn vị thông báo cho các ứng viên đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị tuyển dụng.

- Đơn vị thành lập Hội đồng tuyển dụng, tổ chức thi tuyển/ xét tuyển hoặc tiếp nhận theo đúng quy định của Nhà nước và ĐHQGHN.

 

Chính sách thu hút nhà khoa học xuất sắc tại ĐHQGHN?

Đối tượng thu hút:

Bên cạnh việc tuyển dụng thông qua hình thức xét tuyển hoặc tiếp nhận với thủ tục nhanh gọn, ĐHQGHN áp dụng chính sách thu hút khi ứng viên có thêm một trong các thành tích sau:

- Là tác giả duy nhất hoặc đứng tên đầu bài viết (đối với tạp chí không sắp xếp tên tác giả theo thứ tự ABC) được công bố trên tạp chí ISI đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và y dược hoặc tạp chí SCOPUS đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, giáo dục, luật và ngoại ngữ.

- Có kinh nghiệm giảng dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ thông dụng, hoặc đã/đang đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh ở trường đại học nước ngoài.

- Đã hoặc đang chủ trì đề tài NCKH cấp Bộ và tương đương trở lên; hoặc là trưởng nhóm nghiên cứu, Trưởng phòng thí nghiệm tại một trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín ở trong và ngoài nước; hoặc có sản phẩm khoa học và công nghệ (KH&CN) được ứng dụng, triển khai trên thực tế mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Nội dung thu hút:

- Được xem xét bổ nhiệm vào vị trí trưởng nhóm nghiên cứu mạnh hoặc vị trí khác có hệ số phụ cấp trách nhiệm tương đương Trưởng phòng thí nghiệm trọng điểm trở lên ở đơn vị.

- Được ưu tiên giao nhiệm vụ căn cứ chương trình hành động trong 03 năm đầu sau tuyển dụng để có sản phẩm KH&CN hàng năm.

- Được hưởng thu nhập tăng thêm; được hỗ trợ về thu nhập, ngân sách NCKH, các điều kiện và phương tiện làm việc theo quy định của đơn vị và của ĐHQGHN.

- Được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật và của ĐHQGHN.

- Những trường hợp đặc biệt, Giám đốc xem xét, quyết định việc thu hút, bố trí sử dụng và đãi ngộ.

 

Tiêu chuẩn tuyển dụng nghiên cứu viên tại ĐHQGHN?

- Có học vị thạc sĩ loại giỏi hoặc tương đương trở lên phù hợp với chuyên ngành cần tuyển dụng.

- Sử dụng thành thạo ngoại ngữ phục vụ NCKH (có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B2 theo khung tham chiếu Châu Âu hoặc tương đương).

- Có khả năng NCKH: Có bài viết công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành có mã số chuẩn ISSN hoặc chương sách xuất bản bởi nhà xuất bản có mã số chuẩn ISBN hoặc tương đương trở lên.

 

Quy trình tuyển dụng nghiên cứu viên tại ĐHQGHN?

- Đăng ký ứng tuyển theo đường link ở cuối Thông báo tuyển dụng của từng vị trí tại Mục Vị trí tuyển dụng. Hồ sơ ứng viên sẽ được chuyển ngay về các đơn vị đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN (gọi tắt là đơn vị).

Nếu chưa có vị trí phù hợp, ứng viên có thể đăng ký, gửi hồ sơ vào Ngân hàng ứng viên của ĐHQGHN tại mục Đăng ký ứng tuyển, hợp tác.

- Phòng, bộ phận tổ chức nhân sự của đơn vị sẽ tuyển chọn và thẩm định hồ sơ. Trường hợp cần thiết sẽ làm việc với với trưởng đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng....để tuyển chọn hồ sơ.

- Đơn vị thông báo cho các ứng viên đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị tuyển dụng.

- Đơn vị thành lập Hội đồng tuyển dụng, tổ chức thi tuyển, xét tuyển hoặc tiếp nhận theo đúng quy định của Nhà nước và ĐHQGHN.

 

II. BỔ NHIỆM

Tiêu chuẩn bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tại ĐHQGHN?

Tiêu chuẩn bổ nhiệm chung:

1. Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn CCVCQL do Đảng và Nhà nước quy định.

2. Hoàn thành nhiệm vụ đã và đang thực hiện; có kiến thức và kinh nghiệm quản lý thuộc lĩnh vực công tác dự kiến đảm nhận; có uy tín, tầm nhìn và năng lực, triển vọng đóng góp tốt ở cương vị tương ứng được giao.

3. Quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong công việc, mạnh dạn đổi mới trong công tác lãnh đạo, quản lý.

4. Có khả năng tổ chức xây dựng các văn bản quản lý, điều hành và tham mưu cho cấp trên về các quyết định thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

5. Là CCVC của ĐHQGHN hoặc đang là CCVC tại các cơ quan, đơn vị công lập khác (đối với trường hợp bổ nhiệm CCVCQL kiêm nhiệm).

6. Sử dụng tốt một ngoại ngữ thông dụng, ưu tiên tiếng Anh (tương đương trình độ B1 theo khung tham chiếu Châu Âu). Đối với các chức vụ Chánh Văn phòng, Trưởng ban chức năng; Thủ trưởng đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc; Phó Thủ trưởng đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc phụ trách công tác đào tạo, KH&CN, hợp tác quốc tế; các Trưởng phòng đào tạo, KH&CN, hợp tác quốc tế; Chủ nhiệm khoa, bộ môn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Trưởng phòng thí nghiệm: Sử dụng thành thạo một ngoại ngữ thông dụng, ưu tiên tiếng Anh (tương đương trình độ B2 theo khung tham chiếu Châu Âu).

Tiêu chuẩn bổ nhiệm một số chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý cụ thể:

Ngoài các tiêu chuẩn chung nêu trên, CCVCQL cần đạt các tiêu chuẩn sau đây theo yêu cầu của từng chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý:

1. Chánh Văn phòng, Trưởng ban

a) Có học vị thạc sĩ trở lên. Đối với các chức vụ Trưởng các Ban: Tổ chức Cán bộ, Đào tạo, Khoa học - Công nghệ, Hợp tác và Phát triển, Chính trị và Công tác học sinh sinh viên phải có học vị tiến sĩ.

Đối với các chức vụ Trưởng các Ban: Tổ chức Cán bộ, Đào tạo, Khoa học - Công nghệ, Hợp tác và Phát triển phải đã từng là giảng viên đại học hoặc đã tham gia giảng dạy đại học ít nhất 5 năm.

b) Có ít nhất 5 năm tham gia quản lý từ cấp bộ môn hoặc tương đương trở lên.

2. Phó Chánh Văn phòng, Phó Trưởng ban

Có học vị thạc sĩ trở lên. Đối với các chức vụ Phó trưởng các Ban: Đào tạo, Khoa học - Công nghệ phải có học vị tiến sĩ; có kinh nghiệm trong giảng dạy đại học và NCKH.

3. Hiệu trưởng Trường đại học thành viên

a) Đáp ứng tiêu chuẩn Hiệu trưởng trường đại học công lập theo quy định của Điều lệ trường đại học

b) Có học hàm phó giáo sư trở lên.

4. Phó Hiệu trưởng Trường đại học thành viên

Đáp ứng tiêu chuẩn Phó Hiệu trưởng trường đại học công lập quy định tại Điều lệ trường đại học.

5. Viện trưởng Viện nghiên cứu thành viên

a) Có học vị tiến sĩ.

b) Là nghiên cứu viên chính hoặc giảng viên chính trở lên.

c) Có ít nhất 5 năm tham gia quản lý từ cấp phòng nghiên cứu, bộ môn hoặc tương đương trở lên tại cơ sở giáo dục đại học, tổ chức KH&CN.

6. Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thành viên

a) Có học vị tiến sĩ. Trong trường hợp đặc biệt, có thể xem xét bổ nhiệm người có học vị thạc sĩ giữ chức vụ Phó Viện trưởng, nhưng không được giao phụ trách NCKH&CN, đào tạo.

b) Đối với Phó Viện trưởng phụ trách NCKH&CN, đào tạo phải là nghiên cứu viên hoặc giảng viên trở lên.

c) Có ít nhất 3 năm tham gia quản lý từ cấp phòng nghiên cứu, bộ môn hoặc tương đương trở lên tại cơ sở giáo dục đại học, tổ chức KH&CN.

7. Chủ nhiệm Khoa trực thuộc

a) Có học vị tiến sĩ.

b) Là giảng viên chính trở lên.

c) Có ít nhất 5 năm tham gia quản lý từ cấp bộ môn hoặc tương đương trở lên tại cơ sở giáo dục đại học.

8. Phó Chủ nhiệm Khoa trực thuộc

a) Có học vị tiến sĩ.

b) Là giảng viên trở lên.

c) Có ít nhất 3 năm tham gia quản lý từ cấp bộ môn hoặc tương đương trở lên tại cơ sở giáo dục đại học.

9. Thủ trưởng đơn vị nghiên cứu khoa học trực thuộc

a) Có học vị tiến sĩ.

b) Là nghiên cứu viên hoặc giảng viên trở lên.

c) Có ít nhất 5 năm tham gia quản lý từ cấp bộ môn hoặc tương đương trở lên tại cơ sở giáo dục đại học, tổ chức KH&CN.

10. Phó Thủ trưởng đơn vị nghiên cứu khoa học trực thuộc

a) Có học vị thạc sĩ trở lên. 

b) Đối với cấp phó phụ trách chuyên môn phải là nghiên cứu viên hoặc giảng viên trở lên.

c) Có ít nhất 3 năm tham gia quản lý từ cấp bộ môn hoặc tương đương trở lên tại cơ sở giáo dục đại học, tổ chức KH&CN.

11. Giám đốc, Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản

a. Đáp ứng tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ do Nhà nước quy định

b) Đối với Giám đốc Nhà xuất bản: Có học vị thạc sĩ trở lên. Đối với Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản: Có học vị tiến sĩ.

c) Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực biên tập, xuất bản.

12. Phó Giám đốc Nhà xuất bản

a) Có học vị thạc sĩ trở lên.

b) Là biên tập viên hoặc tương đương trở lên.

c) Có ít nhất 3 năm kinh nghiệm quản lý liên quan đến mảng công tác dự kiến đảm nhận.

13. Tổng biên tập Tạp chí Khoa học

a) Đáp ứng tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ do Nhà nước quy định

b) Có học vị tiến sĩ.

c) Là nhà khoa học có uy tín; có kinh nghiệm trong công tác biên tập và quản lý công tác biên tập sách, báo khoa học.

14. Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học

a) Có học vị thạc sĩ trở lên.

b) Có kinh nghiệm trong lĩnh vực biên tập và xuất bản, phát hành.

15. Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện

a) Có học vị thạc sĩ trở lên.

b) Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực có liên quan.

16. Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện

a) Có học vị thạc sĩ trở lên.

b) Là thư viện viên hoặc tương đương trở lên.

c) Có ít nhất 3 năm kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực có liên quan.

17. Đối với chức vụ lãnh đạo, quản lý tại các doanh nghiệp KH&CN và dịch vụ trong ĐHQGHN, tiêu chuẩn bổ nhiệm áp dụng theo quy định của Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp.

18. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị trực thuộc khác

a) Đối với Thủ trưởng đơn vị: Có học vị thạc sĩ trở lên và ít nhất 5 năm kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực có liên quan.

b) Đối với Phó Thủ trưởng đơn vị: Có học vị cử nhân hoặc tương đương trở lên.

Các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, khoa, viện, bộ môn, trung tâm, phòng thí nghiệm, doanh nghiệp trực thuộc đơn vị thành viên, khoa trực thuộc, trung tâm đào tạo trực thuộc, đơn vị NCKH&CN trực thuộc: Thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường đại học, các quy định của Nhà nước có liên quan. Các đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc ban hành tiêu chuẩn cho các chức danh CCVCQL của đơn vị, nhưng không trái và thấp hơn tiêu chuẩn nêu trên.

 

Quy trình bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tại ĐHQGHN?

Thực hiện theo Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 3668/QĐ-ĐHQGHN ngày 15/10/2014  và Quyết định số 3468/QĐ-ĐHQGHN ngày 11/9/2017 của ĐHQGHN.

 

III. ĐỊNH MỨC GIỜ LÀM VIỆC

1. Định mức giờ làm việc của giảng viên tại ĐHQGHN?

Tổng thời gian làm việc của giảng viên trong một năm học sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính) để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học (NCKH), phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác.

Định mức giờ làm việc của giảng viên tại ĐHQGHN, như sau:

1.1. Định mức giờ chuẩn giảng dạy:

a) Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 200 giờ đến 350 giờ (tương đương từ 600 đến 1.050 giờ làm việc hành chính), trong đó giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp hoặc trực tuyến trên thực tế phải đạt tối thiểu 50%. Định mức giờ chuẩn giảng dạy được áp dụng để tính định biên nhân lực giảng viên trong toàn ĐHQGHN đối với các hệ đào tạo chính quy là 270 giờ chuẩn giảng dạy.

b) Định mức giờ chuẩn giảng dạy đối với giảng viên giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể (từ cấp phó trưởng bộ môn hoặc tương đương trở lên) là 270 giờ chuẩn giảng dạy và được tính theo tỷ lệ % của định mức này đối với từng chức danh, chức vụ cụ thể áp dụng tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT.

c) Định mức giờ chuẩn giảng dạy  được áp dụng để tính định biên nhân lực giảng viên trong toàn ĐHQHGN đối với các hệ đào tạo chính quy là 270 giờ chuẩn giảng dạy.

1.2.  Định mức giờ để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong một năm học của giảng viên tối thiểu là 600 giờ hành chính.

1.3. Định mức giờ để thực hiện nhiệm vụ phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác là thời gian làm việc còn lại của giảng viên trong một năm học sau khi trừ định mức giờ để thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy và nhiệm vụ NCKH.

Chi tiết xem tại Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 4326/QĐ-ĐHQGHN ngày 27 tháng 12 năm 2021 của ĐHQGHN.

 

2. Định mức giờ làm việc của nghiên cứu viên tại ĐHQGHN?

Tổng thời gian làm việc của nghiên cứu viên trong 01 năm được tính là 12 tháng, sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định là 48 tuần (tương đương 1.920 giờ hành chính) để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (NCKH), tham gia giảng dạy, hướng dẫn NCKH (nếu có), hướng dẫn thực hành, phục vụ cộng đồng và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn khác.

Định mức giờ thực hiện các nhiệm vụ của nghiên cứu viên:

a) Định mức giờ để làm nhiệm vụ NCKH (gọi chung là giờ NCKH) của nghiên cứu viên trong 01 năm được quy định từ 960 giờ đến 1.200 giờ.

b) Định mức giờ tham gia giảng dạy (nếu có) bao gồm giờ giảng dạy trực tiếp trên lớp, giờ giảng dạy được quy đổi từ hoạt động hướng dẫn thực hành, hướng dẫn tại phòng thí nghiệm, hướng dẫn NCKH (gọi chung là giờ giảng dạy) do người đứng đầu đơn vị (đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN) quy định chi tiết, trong đó giới hạn giờ giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) theo các nguyên tắc sau:

- Đối với nghiên cứu viên (hạng III) chưa có trình độ tiến sĩ, giờ giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) đảm bảo tối đa không quá 10% tổng số giờ NCKH theo định mức tối thiểu.

- Đối với nghiên cứu viên (hạng III) có trình độ tiến sĩ, nghiên cứu viên chính (hạng II) và nghiên cứu viên cao cấp (hạng I), giờ giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) đảm bảo tối đa không quá 30% tổng số giờ NCKH theo định mức tối thiểu của từng chức danh.

- Đơn vị chỉ tính giờ hướng dẫn thực hành, hướng dẫn tại phòng thí nghiệm đối với các môn học có giờ thực hành trong phòng thí nghiệm. 

c) Số giờ làm việc của từng chức danh nghiên cứu viên do người đứng đầu đơn vị quy định.

d) Các trường hợp đặc biệt:

- Nghiên cứu viên trong thời gian tập sự, thử việc (kể cả trợ lý nghiên cứu) chỉ thực hiện tối đa 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy (nếu có) để dành thời gian cho các nhiệm vụ chuyên môn khác.

- Nghiên cứu viên trong thời gian nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, nghỉ theo các quy định của Bộ Luật lao động hiện hành được miễn giảm định mức giờ NCKH theo tỷ lệ tương ứng với thời gian nghỉ; trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng được miễn giảm giờ NCKH là 12,5%.

đ) Nghiên cứu viên được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể được xác định theo tỷ lệ % định mức giờ NCKH tương ứng theo từng chức vụ, chức danh.

Chi tiết xem tại Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 3089/QĐ-ĐHQGHN ngày 14/9/2022 của ĐHQGHN.

IV. THÔNG TIN HỮU ÍCH KHÁC

Định hướng nhiệm vụ khoa học và công nghệ ưu tiên của ĐHQGHN?

Theo Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ của ĐHQGHN, các nhiệm vụ KH&CN được định hướng ưu tiên gồm:

- Khoa học xã hội và nhân văn: Bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia; mô hình và chiến lược phát triển đất nước; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; con người và đạo đức; lối sống; đổi mới giáo dục và đào tạo;

- Khoa học tự nhiên và y dược: Toán học, vật lý, hóa học, sinh học; an ninh năng lượng, sức khỏe người dân; giám sát hiện trường; bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên;

- Khoa học kỹ thuật và công nghệ: Công nghệ thông tin và truyền thông (công nghệ mạch tích hợp, công nghệ an toàn và an ninh mạng); Nghiên cứu phát triển công nghệ nền của công nghệ sinh học (công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ tin sinh học, công nghệ y sinh và dược học phân tử); nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ vật liệu mới và công nghệ nano phục vụ cho công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo và công nghiệp quốc phòng.

- Khoa học liên ngành: Phục vụ phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, gắn với các vùng và địa phương cụ thể; xây dựng và phát triển ngành biến đổi khí hậu; triển khai các chương trình nghiên cứu gắn với công nghệ biển, phục vụ khai thác tài nguyên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo; ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong giám sát, điều tra tài nguyên môi trường biển, góp phần phát triển kinh tế biển.

 

Các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN?

Xin mời xem chi tiết tại đây.

 

Số lượng cán bộ, giảng viên của ĐHQGHN?

Xin mời xem chi tiết tại đây.

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :