Sinh viên  Nhịp cầu bè bạn 10:17:00 Ngày 21/09/2024 GMT+7
Môn học giáo dục thể chất dưới góc nhìn sinh viên
Cũng có đủ cả các loại hình như bóng đá, khiêu vũ, cờ vua, bóng chuyền, bóng rổ... Nhưng bộ môn Giáo dục thể chất trong trường đại học hiện nay đa số vẫn là đá bóng tưởng tượng, khiêu vũ chân trần, cờ vua thì học xong không biết mặt quân cờ...

Sinh viên nhiều - phương tiện thiếu

Hầu hết các trường đại học hiện nay đều không có hoặc chỉ có cơ sở vật chất rất nghèo nàn cho sinh viên luyện tập môn Giáo dục thể chất (GDTC). Do không có sân tập riêng nên sinh viên Trường ĐHKHTN (ĐHQGHN) phải sang học nhờ sân của Học viện Kỹ thuật Mật mã nằm sát địa phận thị xã Hà Đông (tỉnh Hà Tây). Sân tập đầy bụi, cỏ dại mọc um tùm. Bạn Hải Thanh (sinh viên Khoa Khí tượng Thủy văn - Hải dương học) tâm sự: “Để đến được khu vực tập, tụi mình phải băng qua một khoảng sân rộng, nơi các bạn sinh viên Học viện Kỹ thuật Mật mã chơi bóng đá, bóng chuyền... Một số bạn nam còn cởi trần chơi thể thao khiến cánh nữ tụi mình chỉ biết cúi mặt, nhắm mắt đi qua vì ngượng...”. “Cùng cảnh” với những người bạn Trường ĐHKHTN là sinh viên Trường ĐHKHXH&NV. Thầy và trò phải sang sân của Trường ĐHSP Nhạc - Họa Trung ương để học nhờ môn Giáo dục thể chất vì không có sân. Trường ĐH Ngoại thương thì có một phòng tập sử dụng cho tất cả các môn Giáo dục thể chất, từ cầu lông, bóng chuyền, thậm chí đến cả quốc tế vũ. Mặt sân được lót một lớp chất dẻo đặc biệt nhằm giảm mức độ đau nếu chẳng may sinh viên bị ngã trong quá trình tập luyện. Mặt sân này rất phù hợp để tập cầu lông hay bóng chuyền nhưng lại không hề tiện chút nào khi tập khiêu vũ. Nhà trường yêu cầu sinh viên không được đi guốc cao gót và chỉ được đi giày sạch vào sân nên đa số các bạn lựa chọn cách đi chân đất để tập khiêu vũ. Điều đáng nói là khiêu vũ quốc tế không chỉ đơn thuần là bộ môn thể thao mà còn ít nhiều mang tính nghệ thuật. Sàn tập phải có độ trơn nhất định để các bạn nữ đi giày cao gót, các bạn nam đi giày tây mới đảm bảo được các kỹ thuật bước nhảy. Trường ĐH Ngoại thương thường có khoảng 5.000 sinh viên cùng học Giáo dục thể chất một kỳ mà chỉ có 3 giáo viên chính thức và một phòng tập đa năng. Chính bởi vậy, trong các buổi học mà số lượng sinh viên lên tới 150 người khiến giáo viên không thể bao quát hết, cũng như quan sát và chỉnh sửa động tác cho từng người. Sân bãi đã thiếu, dụng cụ luyện tập cũng không đầy đủ, sinh viên học môn Cầu lông ở Trường ĐH Ngoại thương và Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) phải tự trang bị vợt và cầu, nhà trường chỉ tạo điều kiện cho mượn lưới, mà số lượng lưới dành cho mỗi lớp cũng rất hạn chế.

Thầy Nguyễn Văn Lợi, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cho biết: “Năm vừa rồi, Nhà trường mới đầu tư 900 triệu đồng nâng cấp khu tập đa năng gồm sân bóng, đường chạy, sân cầu lông, sân bóng bàn. Mỗi năm, chúng tôi cấp kinh phí khoảng 60 triệu đồng để mua dụng cụ học tập cho môn Giáo dục thể chất. Tuy vậy, sinh viên của chúng tôi vì số lượng quá đông nên khi học, các em phải tự trang bị cầu và vợt...”. Khi được hỏi thì đa phần các bạn sinh viên đều nghĩ rằng học chỉ để đối phó, để thi lấy điểm 5; vả lại, cũng chẳng có nhiều tiền để sắm vợt tốt nên chỉ mua vợt loại rẻ tiền nhất. Vợt rẻ tiền mặt lưới không căng, trình độ của sinh viên ta lại chỉ “giỏi vừa vừa” nên rất khó khăn khi luyện tập. Cả một lớp vài chục người nhưng cũng chỉ được 1, 2 cái lưới nên phải luân phiên nhau tập. Cũng có khi sinh viên phải học “chay” vài buổi môn Bóng đá do không có bóng. Giáo viên bảo: “Các em cứ tưởng tượng dưới chân mình là một quả bóng và tập... sút”, vậy là cánh sinh viên ta đành nhắm mắt tưởng tượng rồi vung chân đá vào không khí. Luyện chay đến mấy buổi liền nhưng đến khi thi, giáo viên lại yêu cầu phải sút đúng kỹ thuật, dùng “má ngoài chân phải”, “mu bàn chân”, “lòng bàn chân” như các cầu thủ chuyên nghiệp nên thậm chí có nhiều bạn nam chiều nào cũng đi đá bóng mà khi thi vẫn lóng ngóng nên bị trượt.

Học thể chất “yếu” và “vất”!

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, bộ môn Giáo dục thể chất được giảng dạy trong 150 tiết, chia làm 5 kỳ, mỗi kỳ 30 tiết. Như thầy Trần Mạnh Hà (giảng viên môn Giáo dục thể chất Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết thì: “Yêu cầu về mặt chuyên môn đối với sinh viên là phải nắm được một số kỹ năng của một số môn thể thao. Thời gian 30 tiết có thể nói là đủ để các em nắm bắt những kỹ năng cơ bản của một môn thể thao...”. Có lẽ vì vậy mà các trường thường xây dựng khung chương trình với 5 môn thể thao khác nhau trong 5 kỳ. Nhưng cũng chính vì muốn các em biết nhiều môn thể thao nên vô tình đã dẫn đến tình trạng “môn nào cũng biết nhưng thực ra không biết gì”. Thầy Ngô Bảo Long (giảng viên Bộ môn Giáo dục thể chất, Trường ĐH Ngoại thương) cho biết: “Hai kỳ cuối nhà trường bố trí cho các em học xuyên suốt một bộ môn bởi vì như bơi lội chẳng hạn, phải trải qua ít nhất 60 tiết, tương ứng với hai học kỳ, các em mới có thể bơi. Còn các nội dung khác như bóng chuyền, điền kinh, vũ quốc tế chỉ được giảng dạy trong một học kỳ nên chúng tôi không đặt ra yêu cầu cao, chỉ giúp các em nắm bắt các kỹ thuật cơ bản nhất”. Điển hình như môn cờ vua ở Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN). Nhà trường chủ trương đưa môn này vào chương trình vì phù hợp với đặc thù của trường chủ yếu là sinh viên nữ. Tuy nhiên, do ghép chung với nội dung Lý thuyết Giáo dục thể chất vào một học kỳ nên thời gian học quá ngắn, chỉ có 8 buổi, tương ứng với 16 tiết nên chỉ dạy các em giải thế cờ cơ bản. Một sinh viên K39 Sư phạm tiếng Anh của Trường bảo: “Trước khi học môn cờ vua, em không hề biết chơi cờ. Học xong môn này, em vẫn không biết chơi, thậm chí vẫn chưa nhận được mặt quân cờ bởi vì các thầy chỉ dạy giải thế cờ trên giấy. Em cứ học thuộc một số thế cờ mẫu mà các thầy dạy là đi thi làm được bài.”. Còn ở Trường ĐH Ngoại thương, chỉ có 9 buổi tập mà các thầy dạy tới 5 điệu nhảy khác nhau khiến cho sinh viên khó có thể tiếp thu hết toàn bộ. Khi được hỏi có nhớ các bước nhảy đã học cách đây một năm không, một sinh viên năm thứ 3, Khoa Quản trị Kinh doanh trả lời: “Em chỉ nhớ được tên gọi của 3 trong số 5 điệu nhảy đã học thôi chứ nói gì đến bước nhảy.” Hay như môn Thể dục dụng cụ (tập xà) ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, mỗi lớp có khoảng 60 sinh viên, chia làm hai nhóm, tức là 30 sinh viên được tập với một xà. Giả sử mỗi lần lên xà mất 1 phút thì với một buổi học 90 phút, mỗi sinh viên chỉ được lên xà 3 lần. Đó là chưa trừ thời gian khởi động và học lý thuyết, điểm danh... Sau 15 buổi, sinh viên chỉ được tập với xà khoảng 40 lần, có lẽ chưa bằng số lần lên xà của một vận động viên môn trong một buổi tập. Như vậy, làm sao họ có thể nắm bắt và thực hiện tốt các động tác kỹ thuật? Viết đến đây tôi chợt liên tưởng đến phương pháp dạy người ta cách đi xe máy, về số, tăng ga, bóp phanh nhưng không dạy luật giao thông, như thể chẳng hóa ra là đánh đố hay sao? Giáo dục thể chất là một bộ môn học đặc thù, yêu cầu sinh viên phải luyện tập thường xuyên. Nhưng vì nhiều lý do mà sinh viên ta chỉ có thể tập trên lớp, tức là mỗi tuần một buổi, vì thế mà thể lực hầu như không tăng cường, thậm chí nhiều bạn còn thấy... yếu đi. Hoàng Kiều Minh Ngân (K36 Phiên dịch tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ) kể lại: “Hôm thi môn điền kinh, lớp mình có nhiều bạn đã ngất ngay trên đường chạy. Lớp đã ra trường nhưng có 2 bạn nam bị treo bằng vì trượt môn bóng đá...”. Nhiều bạn nữ ở các trường than rằng học môn bóng chuyền quá khó. Động tác đánh bóng thấp bằng cánh tay khiến sau mấy buổi tập đầu, tay nhiều bạn thâm tím. Nhưng đến khi đã tập quen quen một chút thì lại không phải học nữa, chuyển sang nội dung khác. Thế mới có chuyện, tập thể dục về chỉ thấy mệt chứ chẳng khoẻ thêm chút nào. Hay như cô bạn Thảo Mai (SV Khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV) thì “bụng đau, chân yếu” chỉ vì tập môn điền kinh...

 Lê Hùng - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 174, ra tháng 4/2007
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 392 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC