“Đốt đuốc” đi tìm nguyên nhân
Một vài sinh viên Trường ĐH Văn hóa phàn nàn rằng, mỗi tuần chỉ có 2 buổi học tiếng Anh, nhưng buổi nào cũng theo một chu trình quen thuộc là đọc bài khóa, viết từ mới, ngữ pháp, chữa bài tập, nghe băng... Tiết học nghe là tiết học được sinh viên chờ đợi háo hức nhất, nhưng buổi có đài, buổi lại không, cũng có khi đài dở chứng, băng thì tậm tịt. Những buổi nói chuyện để thảo luận về vấn đề nào đó thì chỉ được một vài người kha khá trong lớp tự tham gia với nhau. Những ai sức học vừa vừa thì rất ngại thể hiện mình. Điều quan trọng trong việc học ngoại ngữ là tự học, tự trau dồi kiến thức cho mình. Tuy nhiên cái nếp tự học trong sinh viên ta khó hình thành do thói quen học thụ động đã thành “bệnh kinh niên”. Sinh viên ta thường không có ý thức tự giác làm bài tập, tra từ mới trước khi đến lớp. Khi có các cuộc hội thảo sử dụng tiếng Anh thì đa số sinh viên ta vẫn chưa thật sự chủ động, họ trông chờ vào một số cá nhân khá giỏi trong lớp.
Học kém ngoại ngữ, lỗi hoàn toàn không thể chỉ đổ cho sinh viên. Xét ở một phương diện nào đó thì giáo viên cũng có một phần trách nhiệm. Trình độ và phương pháp là hai yếu tố cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và ý thức học của người học. Thực tế cho thấy, có nhiều lý do khiến các thầy cô không thể xoay chuyển được tình hình, đó là sự hạn chế về cơ sở vật chất, về chương trình, giáo trình... và thậm chí là cả “sức ì” của sinh viên.
Sinh viên đầu tư học ngoại ngữ như thế nào?
Cả tuần chỉ có một buổi học tiếng Anh ở trên lớp. Giáo viên hỏi đến từ nào sinh viên cũng lắc đầu vì chưa kịp tra từ mới trước... Vậy là thầy trò lại phải lao đầu vào tra từ, thời gian thực hành nói trên lớp bị rút bớt. Hạnh (SV K51 Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV) kêu: “Nhiều tiết học chỉ kịp tra xong từ mới đã thấy chuông hết giờ...”.
Ngoài giờ học trên lớp nhiều sinh viên còn tham gia các khóa học tại các trung tâm ngoại ngữ đây là việc rất tốt để các bạn trau dồi thêm vốn kiến thức của mình, có điều kiện tiếp xúc hơn, nhưng thực tế thì cũng chẳng cải thiện được là bao.
Hiện tại các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn Hà Nội nhiều không đếm xuể. Lời mời chào “lớp học ít người, học trên thiết bị hiện đại, thường xuyên có các buổi thực hành, đặc biệt được học giao tiếp với các chuyên gia nước ngoài” thực sự cuốn hút không ít sinh viên. Một điều không thể không nhắc tới là bệnh lười “truyền kiếp” của sinh viên. Có nhiều sinh viên chỉ biết lịch học tiếng Anh vào ngày giờ hôm đó, theo học ở các trung tâm cũng chỉ là giải pháp, nhiều người học chạy theo xu thế của thời đại. Vinh (sinh viên HV Ngân hàng) thổ lộ: “Mình không “ưa” món ngoại ngữ lắm nhưng lũ bạn đi học hết nên mẹ mình cũng bắt mình theo học...”. |