Trần Thị Hương (K49 Khoa Lưu trữ và Quản trị văn phòng - Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN):
Sinh viên khoa mình thường nói đùa đi thực tập là luyện kỹ năng pha trà rót nước. Đây là thực tế của các sinh viên đi thực tập. Theo mình, nguyên nhân chủ yếu là do sinh viên kiến thức còn hạn chế, ít va vấp với thực tế. Sinh viên thường lóng ngóng, lúng túng khi bắt tay vào làm từng công việc cụ thể. Đôi khi, còn làm hỏng việc và làm đảo lộn hoạt động của nơi mà họ về thực tập. Vì vậy, sinh viên không được nơi thực tập tin tưởng, làm họ có ấn tượng không tốt về sinh viên thực tập. Mình nghĩ nếu muốn nơi thực tập tin tưởng trước hết phải trau dồi cho mình phông kiến thức chắc và cần chủ động, nhanh nhẹn hoà nhập với cách làm việc ở môi trường mới. Thực tập giúp mình hiểu ra được nhiều điều mà nếu chỉ học chay trên lớp rất khó hiểu và nhanh quên...
Ngô Duy Tuyên (K48 Khoa Môi trường, Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN):
Việc tìm nơi thực tập đối với sinh viên tỉnh lẻ như mình rất khó khăn. Tại nơi mình thực tập, “con ông cháu cha” được nâng đỡ, tạo điều kiện cả về điểm số thực tập và cơ hội tiếp xúc với công việc. Trong khi đó, mình không có các mối quan hệ, không được ai đỡ đầu nên việc gì cũng phải tự mò mẫm vừa đi vừa tìm đường, sai đâu sửa đó. Mình nghĩ xây dựng các mối quan hệ xã hội tạo cơ hội để dễ dàng tìm được nơi thực tập hơn, cũng như để sau khi ra trường có cơ sở xin việc. Nếu có băn khoăn gì về vấn đề thực tập, ngành học và nghề nghiệp mình sẽ tham khảo ý kiến của các thầy cô trong khoa. Lời khuyên của thầy cô sẽ rất cần thiết khi mình chưa có định hướng rõ ràng về công việc.
Nguyễn Thị Thuỷ (K48 Sư phạm Văn, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN):
Khi là sinh viên năm thứ nhất, thứ hai, mình cũng coi nhẹ việc thực hành kỹ năng, suốt ngày chăm chỉ lên thư viện để đọc sách, nghiên cứu, phấn đấu giành được học bổng. Được đi thực tập mình mới hiểu rằng, khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành rất lớn, nhưng lúc nhận ra được điều đó thì đã muộn. Mình thấy bỡ ngỡ từ những kỹ năng đơn giản như cách đi lại trên bục giảng, viết bảng thế nào cho khoa học. Sau mỗi tiết dạy được cô giáo hướng dẫn chỉ ra những lỗi nhỏ, mình thấy tiến bộ từng ngày. Vì vậy, mình đang tranh thủ thời gian ít ỏi của đợt thực tập để lấp những lỗ hổng về thực tế.
Lư Thị Thanh Lê (Lớp K49 Văn CLC, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN):
Đi thực tập, thực tế là cơ hội kép để sinh viên vừa thực hành chuyên môn của mình vừa tăng cường vốn sống, sự hiểu biết. Chuyến thực tập, thực tế đã giúp mình củng cố những kỹ năng thiết yếu của chuyên môn như kỹ năng khai thác thông tin, tổng hợp dữ liệu và đặc biệt là kỹ năng viết bài về các hiện tượng văn hoá, văn học. Khi trở về, những nhiệt tình được hâm nóng từ chuyến đi thôi thúc mình chủ động hơn trong việc thâm nhập thực tế. Mình đã là sinh viên năm thứ ba, không thể lúc nào cũng chờ đợi, dựa dẫm vào sự giúp đỡ của các thầy cô mà phải tích cực tìm kiếm, nắm bắt những cơ hội giúp mình thực hành nghề nghiệp chuyên môn sau này.
Nguyễn Thế Anh (Lớp K48 Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN):
“Sự ham học hỏi quyết định 50% sự thành công của sinh viên thực tập”. Mình rất may mắn khi được thực tập từ năm thứ nhất ở một công ty nước ngoài, những ngày đầu thực tập kiến thức chủ yếu do mình tự học. Sau 4 năm đại học, những kiến thức mình tích luỹ được trên giảng đường phục vụ rất đắc lực cho công việc. Kết thúc đợt thực tập mình đã được nhận vào làm chính thức. Mình đã lập kế hoạch cụ thể cho từng buổi thực tập. Mỗi ngày mình đều cố gắng hoàn thành công việc được giao, có gì băn khoăn mình sẽ trực tiếp hỏi người hướng dẫn. Nhận được lời khen ngợi của người hướng dẫn mình rất vui vì khả năng của mình đã được ghi nhận. Theo mình, thái độ thực tập của sinh viên là hết sức quan trọng, nó thể hiện sự chủ động học hỏi của sinh viên, chính sự cầu tiến của bạn sẽ làm cho người hướng dẫn có thiện cảm, nhiệt tình giúp đỡ. Trong quá trình thực tập, mình đã rèn luyện tác phong làm việc, khả năng giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, mình bước đầu hình dung và có cái nhìn toàn diện về công việc, từ đó, tự đánh giá, hoàn thiện khả năng của mình. Mình có cơ sở xây dựng được các mối quan hệ mới, đây là tiền đề để sau khi ra trường xin việc. Mặc dù nguồn nhân lực về IT vẫn còn thiếu nhưng xin đi thực tập vẫn rất khó vì trình độ của sinh viên không đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, mình thấy rằng việc học nghiêm túc ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường là một yêu cầu bức thiết đối với sinh viên.
*
Lý thuyết không được thực hành là lý thuyết suông, thực hành không có lý thuyết sẽ rất dễ cùn mòn. Điều quan trọng là mỗi sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường cần cân bằng được cả lý thuyết và thực hành, luôn đặt chúng trong “thế đối sánh” cái nọ là tiền đề, là cơ sở để soi sáng cái kia. |