Lời ăn tiếng nói
Từ lâu trở thành sinh viên đã là mơ ước và mục tiêu phấn đấu của những người trẻ. Trong mắt mọi người, sinh viên là những người học cao, biết rộng, ăn nói lịch sự, có văn hoá. “Em ơi! Anh bảo này... Trời ơi xinh thế mà vừa câm vừa điếc”. Mấy cậu sinh viên bạn tôi vừa bước ra khỏi cổng trường đã “vỗ mặt” một cô gái chưa từng quen biết bằng một câu như thế. Khi tôi nói, mấy cậu bạn tôi chỉ cười: “Đùa cho vui ấy mà...”. Không biết người bạn gái kia và những người xung quanh sẽ đánh giá như thế nào về những cậu bạn sinh viên của tôi?
Sinh viên bây giờ nói tục, chửi bậy khá phổ biến. Các sinh viên nam không ngại lôi tên ông bà, bố mẹ nhau ra để mà giao tiếp. Một lần đến xóm trọ của mấy cậu bạn học Trường CĐ Xây dựng, thấy mọi người toàn gọi nhau bằng tên huý của bố mẹ. Nhất là khi tên chữ của các cụ có điều gì đó đặc biệt. Ngay cả phái được mệnh danh là ăn nói dịu dàng thì cũng nói bậy thả phanh chẳng chút ngượng miệng. Có lần H (sinh viên Trường ĐH Hà Nội) nói về cô bạn của mình : “Mẹ… con ấy “chim lợn” thế không biết dám cắm xe của bạn thân tao chứ!”. Nói tục chửi bậy, thậm chí đã nói là đệm văng mạng những từ rất tục là một thói quen xấu và rất khó sửa. Vậy mà nhiều sinh viên vẫn vô tư: “Phải ăn nói vô tư thì sống với nhau mới thoải mái được...”.
Nhìn từ một góc độ khác, vấn đề ngôn ngữ sinh viên cần phải bàn đó là tình trạng “sinh viên hoá từ ngữ”. Những kiểu ăn nói tiếng lóng mà rất nhiều “ét vê” hay dùng đó là “ổn áp” - thi qua, “tắt điện” - “vào vòng hai” - thi trượt. Khi “cà phê” hay “sunsilk bồ kết” em nào thì phải “kiểm tra hàng” để rồi “shut down” luôn. Nếu nàng thuộc dạng “cành cao” thì phải “đầu tư” và “nạp điện”. Còn lúc bị người yêu cho “leo cây” thì đích thị là “seven love” - thất tình... Ngôn ngữ học sinh, sinh viên khiến không ít những ông bố, bà mẹ lắc đầu: “Chịu chẳng biết chúng ăn nói thứ ngôn ngữ gì?!”. Phải chăng, có “một thứ ngôn ngữ thời @” đang ăn sâu vào những người trẻ hiện nay...
1001 kiểu trang phục giảng đường
Cái sự mặc của sinh viên ta giờ cũng khiến không ít người cũng phải “thốt” lên ngạc nhiên và lắc đầu không nói. Đối với sinh viên con nhà giàu mốt bây giờ là tóc kiểu xoăn mì tôm, quần xì-kề (CK)... đến trường phải là xe @ hay xe tay ga xịn và kè theo là những phụ kiện của một dân highttect chính hiệu: laptop, điện thoại di động... Không ít những sinh viên với những trang phục rất “mát”: quần ngố, váy ngắn, váy dài, áo không hở trước thì hở sau không còn xa lạ gì với những giảng đường đại học. Những mốt ngắn, mốt dài không mấy kín đáo đã len lỏi trên những giảng đường. Đáng buồn là tình trạng sinh viên chạy theo mốt mù quáng, lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” để rồi hậu quả là những bộ trang phục học đường “nhố nhăng” mà chẳng có nhà thiết kế thời trang nào dám nghĩ tới. Cái “ngông” của những cô cử, cậu cử tương lai không biết có tôn tạo vẻ đẹp hơn không nhưng những trang phục cũng là “bộ mặt”, là “nước sơn” của văn hoá nhân cách con người. Vẫn biết rằng “người đẹp vì lụa” nhưng phải biết cách ăn mặc mới tạo ra phong cách của cá nhân. Giới trẻ nhất là sinh viên cần ăn mặc sao cho vừa làm đẹp cho mình, vừa thể hiện sự tôn trọng cô thầy, bạn bè và xã hội. Văn hoá giao tiếp thể hiện nhân cách đạo đức con người. Vì thế chúng ta hãy thẳng thắn để nhìn nhận lại có những hành vi giao tiếp đẹp lòng người. |