Mọi người trong xóm trọ nửa tin, nửa ngờ cặp “anh em họ gần” T.P và H.H (HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông). Rồi cũng rõ: “Anh em gì lại không cùng họ, học cùng lớp, cùng trường, ở chung một phòng chưa đầy 10 m2, ăn cùng mâm và... ngủ cùng giường(!?)”. Nam sinh viên đến từ thành phố Thái Nguyên, mang theo 800.000 đồng gia đình chu cấp, “góp gạo” cùng H.H (quê Thái Bình). Tất cả 1,5 triệu đồng cũng không dư giả gì cho cuộc “thử sống” gia đình sinh viên này. Cuộc sống tưởng chừng trôi qua êm đẹp, sáng lên giảng đường, chiều về cùng nhau dạo phố. Nhưng một ngày, bố mẹ H.H bất ngờ lên thăm con. Chàng T.P cuống cuồng thu dọn giày dép, quần áo lót giấu vào những nơi không thể phát hiện và “ẩn tích” một vài hôm.
Còn cặp “vợ chồng sinh viên” T. và H. (ĐHKHXH&NV) cùng là người Hà Nội, hàng xóm của nhau ở phố Hào Nam, nhưng vẫn “bí mật” đi thuê nhà trọ. T dựa vào một triết lý hết sức đơn giản: “ông bà già không hiểu thế hệ trẻ là thế nào. Giờ thời đại nó khác. Có ngăn cản cũng không được. Mình tự biết nghĩ và làm những gì mình thích...” Ngăn cản chán không được, 2 gia đình đành “bó tay” và chấp nhận: “Cho chúng đi với nhau, sướng khổ chúng phải chịu. Gia đình không chu cấp gì nữa!” Chàng và nàng sau một tháng say giấc tình hồng của vợ chồng hờ, rồi cũng phải quay đầu về gia đình mong trợ giúp ít vốn “làm ăn”. Chàng T. bảnh bao xưa giờ râu ria lún phún, gầy đen bởi đã thành một anh xe ôm chính hiệu. Còn nàng H. không còn phây phây má hồng, mà thành hay gắt gỏng, gây gổ với “chồng” và bạn cùng xóm trọ.
Sinh viên sống thử, xuất hiện đâu đó trong những xóm trọ, dường như không lạ lẫm nữa, và cái gì đến... đã đến. Sau thời gian “tuần trăng mật”, những cặp “uyên ương” phải đối mặt với sự thật. Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng (ĐHKHXH&NV) không khỏi bàn tán chuyện một sinh viên nữ, năm thứ 2, bảo lưu kết quả học tập bởi “gia đình khó khăn”, nhưng một bạn đồng hương cho biết: “Về lấy chồng chứ làm gì! Lỡ rồi, đành bảo lưu kết quả chờ ngày sinh nở...”. Đây là một trong số những giải pháp tình thế mà không ít sinh viên lựa chọn khi gia đình đồng ý “cưới chạy”. Như T. và H. nêu trên, dắt tay nhau lên xe hoa với cái thai hơn 3 tháng. Cuộc sống vợ chồng thật không còn đẹp đẽ như vẽ ra trong tưởng tượng. Việc làm không ổn định, kinh tế khó khăn, bao mối lo “cơm, áo, gạo, tiền” đè nặng. Cái hố ngăn cách hạnh phúc cứ nới rộng ra, báo hiệu một tương lai không đủ cả cha lẫn mẹ cho đứa bé sắp chào đời.
Còn “vợ chồng” T.P và H.H thì lặng lẽ đưa nhau đến phòng khám bệnh tư nhân. Quan điểm của T.P: “Đành phải giải quyết thôi. Biết làm thế nào khác được. Chỉ cần 400.000 đồng là xong. Gọn nhẹ!” Bản năng làm mẹ không kháng cự được gì nhiều, H.H đành thuận theo, nhưng tình yêu liệu có còn nguyên vẹn và đẹp đẽ sau những gì đã xảy ra? Sức khoẻ và tâm sinh lý của người phụ nữ sẽ thế nào? Cuộc sống hiện đại, cởi mở hơn cho nam nữ, nhưng cởi mở không có nghĩa là cởi bỏ... |