Tạm trú như ẩn trú
Do nhu cầu cuộc sống và học tập, sinh viên khó có thể “trụ” lâu ở một nơi được. Có nhiều lý do để cánh sinh viên “xê xịch”: Chưa hiểu rõ về nơi ở đã chuyển đến, tăng giá nhà trọ, bất đồng với chủ nhà, tìm được một chỗ tốt hơn v.v. Có vô số lý do chính đáng để cả người đi thuê lẫn người cho thuê nhà coi việc đi, ở là chuyện đương nhiên!
Khai báo tạm trú, tạm vắng dường như luôn là một câu chuyện dài không có hồi kết với sinh viên. Chỉ cần nghe một vài câu chuyện lưu truyền trong giới sinh viên cũng có thể hình dung ra toàn cảnh vấn đề muôn thuở này. Với Thành, sinh viên Trường ĐHKHXH&NV thì đó chẳng có gì phải bàn cãi. 4 năm học, “kinh qua” cỡ 5 - 6 nơi trọ nhưng cậu chưa phải khai báo tạm trú bao giờ. ở Phùng Khoang 1 năm, ở Cầu Giấy 6 tháng, ở Khương Trung 1 năm, ở Định Công 3 tháng, ở Hà Đông 5 tháng… Cái việc chuyển nhà của Thành hiện rõ trong cách sống lang bạt nay đây mai đó và đống đồ đạc lấy tiêu chí gọn nhẹ, tiện dụng làm đầu.
Theo Thành, sướng nhất là căn nhà tập thể ở Vũ Trọng Phụng. Chủ nhà cũng chẳng buồn hỏi han gì về chuyện đăng ký tạm trú. Trả tiền trước 3 tháng, rồi muốn làm gì thì làm. Trong hợp đồng là 2 người nhưng Thành lôi về đến 4 cậu bạn. 4 cậu này ban ngày ăn xong rồi ngủ, bày bừa khắp nơi, phòng lúc nào cũng có mùi của thức ăn thừa lâu ngày không dọn; chiều nghiên cứu phương án “đập lô”; tối đến thì “vào 3 ra 7”. Có hôm, rượu ngà ngà say, cả bọn dắt 1 cô cave về phòng. Hành sự xong, cô cave này phải ngồi tỉ tê khóc vì chỉ đòi được một nửa số tiền so với “giá thị trường”. Mấy ông cứ ôm nhau ngủ, không thèm đả động thêm, thế là ả cave nọ cũng phải ngậm đắng nuốt cay ra về.
Còn khu nhà trọ ở Định Công, ngay bên bờ sông Kim Ngưu, có hơn 2 chục phòng trọ thì có hơn 10 phòng là sống thử. Những sinh viên này chủ yếu là học ở trường trung cấp và trường dạy nghề. Khu trọ vốn bé, lợp proximăng hơn 10m2, nước đục ngầu, nhà vệ sinh sặc mùi xú uế lại càng trở nên nhếch nhác hơn. Họ ăn cơm trước kẻng thì nhanh nhưng bát đũa, quần áo thì không chịu rửa, giặt. Có cô người yêu ở nơi xa đến chơi, ăn ngủ luôn cả tuần ở đấy như nhà mình. Quần áo chất đống, bát đũa vứt chỏng chơ ngoài sân giếng. Khó phụ huynh nào có thể tưởng tượng nổi cảnh “cánh sinh viên nhà ta” lại có thể tha hóa đến mức như thế!
Sinh viên lẩn tránh đã đành, chủ trọ nhiều khi cũng đồng sức, đồng lòng. Cách đây mấy hôm, cạnh phòng tôi trọ, nửa đêm còn có “ông” bạn đến gõ cửa xin ngủ nhờ. Hóa ra, vì công an sắp kiểm tra nên bà chủ nhà trọ “điều quân” đi nơi khác để dễ bề đối phó. Vậy là hơn chục sinh viên trong nhà trọ lại tá hỏa đi “tìm nơi bình yên”: nhờ nhà bạn, người quen, “overnight” trong quán internet để chat, thậm chí lang thang chơi hết đêm, đợi 5 giờ sáng bắt xe buýt về nhà.
Hệ quả nhãn tiền
Thủ tục thuê nhà bắt buộc đối với sinh viên là phải có hợp đồng thuê nhà, đăng ký tạm trú. Nếu ở chung nam nữ phải có giấy chứng nhận anh, chị em; hoặc nếu là vợ chồng thì phải có giấy đăng ký kết hôn, nhưng khá nhiều nơi bỏ qua các thủ tục này. Bởi vì, sinh viên thì luôn tìm cách trốn tránh, nhất là các đôi sống thử. Còn chủ nhà, thấy sinh viên chuyển nhà nhiều cũng chẳng buồn làm giấy tờ. Cứ thỉnh thoảng đi khai báo thì mất công. Chi bằng cứ chi ra một khoản tiền gọi là “lót tay” cho công an để bớt phiền phức vào mình. Điều kiện của họ chỉ là đến hạn nộp đầy đủ tiền nhà và các khoản đóng góp vệ sinh.
Chính vì vậy, ở các khu nhà tập thể, hàng xóm thường là những người bị phiền phức nhiều nhất. Họ là nạn nhân bất đắc dĩ của các cô cử, cậu cử. Một số căn hộ trong khu nhà tập thể ở đường Vũ Trọng Phụng sau nhiều lần nhắc nhở các sinh viên ăn nhậu không được làm ồn, không về quá khuya không được đã lên công an phường trình bày. Thành cùng 4 người bạn đang rượu chè ngây ngất đã bị mời lên phường làm biên bản. Về nhà ai cũng tỉnh rượu (tỉnh sớm để còn dọn đồ đi nơi khác!).
Còn tại khu nhà trọ ở Định Công, cô sinh viên tên Hoài Thu, quê ở Nam Định, sống thử với bạn trai cách đây mấy tháng mới được một bài học nhớ đời. Mẹ cô đi ăn cưới trên Hà Nội, tiện thể theo bạn cô về nhà trọ thăm con. Giữa trưa về đến phòng trọ, thấy cửa vẫn đóng. Ghé mắt vào phòng cô con gái yêu, bà giật mình đánh rơi cả túi đồ. Con bà đang nằm ôm người yêu trong tình trạng gần như Adam và Eva. Bà chỉ còn biết khóc than kêu trời!
Bên cạnh đó, việc lỏng lẻo trong quản lý dẫn đến tình trạng mất đồ khá phổ biến trong các khu nhà trọ. Khách của các phòng quá đông, chủ nhà đôi khi không kiểm soát được (hoặc cũng không muốn kiểm soát). Kẻ trộm lợi dụng trà trộn vào cũng chẳng ai biết vì cứ nghĩ khách của hàng xóm. Cho nên, đồ đạc thỉnh thoảng vẫn đội nón ra đi. Thành cho biết: “Đấy cũng là chuyện bình thường! Nhiều đứa mất cả xe máy mà còn không biết kêu ai!”. Mới đây, đêm 25/5 khu nhà trọ tại đường Nguyễn Đức Cảnh vừa xảy ra một vụ trộm. Cả dãy 4 phòng trọ, có cổng sắt khóa mà kẻ trộm vẫn đột nhập lấy đi 3 triệu đồng và 2 cái điện thoại di động mà không ai biết. Một mất mười ngờ, thủ phạm chưa điều tra ra, mọi người vẫn nhìn nhau với “con mắt hình viên đạn”... Đấy là chưa kể những khu nhà trọ có cả bọn nghiện và cave cùng “tạm trú”. Nỗi kinh hoàng này Thành cũng đã trải qua. Sau hơn 2 tuần cậu đã phải chuyển đi vì không chịu được cảnh cave đi khách về muộn, thỉnh thoảng còn “mồi chài” hành lạc; trong khi cứ trưa đến, lại có vài ông nghiện dặt dẹo gõ cửa xin một “bi”.
Những câu chuyện bi hài như trên không phải hiếm trong các khu nhà trọ ở Hà Nội. Nhất là trong khu vực ngõ ngách, xa nơi quản lý. Thế mới có chuyện khi bị chính quyền kiểm tra phát hiện khách thuê buôn bán hêrôin, in sao băng đĩa sex, hoạt động mại dâm ngay tại phòng trọ… chủ nhà cứ ngớ người ra. Đã đến lúc phải xiết chặt quản lý hơn đối với sinh viên và nâng cao trách nhiệm của chủ nhà trọ. Chỉ có như vậy, sinh viên mới có điều kiện học hành và lành mạnh hóa đời sống. |