Sinh viên  Nhịp cầu bè bạn 18:45:54 Ngày 03/12/2024 GMT+7
Nhắn tuổi 20
Bên cạnh những thanh niên yêu đời, biết làm phong phú cho cuộc sống bằng chính cách nghĩ, cách làm hiện đại của mình thì vẫn còn có một bộ phận không nhỏ những thanh niên ở vào độ tuổi 20 lại có cách sống hờ hững với tất cả...

Trường phái những con ốc

Đại diện cho trường phái này là những cô cậu sống một cuộc sống mờ nhạt, hờ hững với tất cả mọi thứ xung quanh mình. Cuộc sống dường như là một cái ao phẳng lặng và họ là những sinh vật quanh năm chỉ biết bơi nhẹ nhàng, không mục đích trong cái ao đời ấy.

Tuổi 20 với những hoài bão lớn, hy vọng về một tương lai rực sáng nhưng với Nguyễn Hoài Hương lại khác. 18 tuổi, đặt bước chân đầu tiên vào đại học cũng đồng nghĩa với chuyện mọi thứ với Hương giờ đã thay đổi. Lần đầu tiên xa nhà, thoát ra khỏi sự bao bọc, chở che của cha mẹ Hương bước vào đời nhẹ nhàng. Hà Nội phồn hoa không những không giúp cô thấy hạnh phúc mà với Hương nơi này chỉ toàn những âm thanh ồn ào, bụi bặm, người với người sống với nhau không tình cảm. Lúc nào Hương cũng sống với những kỷ niệm của quá khứ xa xưa. Cô nhớ những ngày ở quê, nhớ lớp 12A7 yêu dấu của mình. Vì vậy mà trong căn phòng nhỏ của mình Hương sống khép kín, biệt lập với tất cả. Cô từ chối tham gia các hoạt động tập thể, cho rằng đó là những thứ phù phiếm, không thật lòng. Hai năm học đại học, Hương chỉ ngồi đúng một chỗ, nói chuyện đúng với cô bạn gái bên cạnh, ngoài ra cô không giao lưu tiếp xúc với ai. Bạn bè bảo cô là lập dị, kỳ quái cô cũng mặc kệ. Cũng đã hai năm, công việc của Hương ngày nào cũng giống nhau. Sáng: 5 giờ ngủ dậy, 6 giờ đến trường, 11 giờ về, ăn trưa. Chiều: 3 giờ ngủ dậy, đọc truyện tranh, 5 giờ tắm gội, 7 giờ ăn tối, học bài và nghe nhạc. Cuối tuần nếu không về quê thì ngủ nướng cho hết ngày.

Người ta vẫn coi chị em Hà và Vân là hai nàng Kiều trong "Tỏa nhị kiều" của Xuân Diệu. Hà là sinh viên năm thứ 4 trường ĐHKHXH&NV, còn Vân mới là sinh viên năm thứ nhất trường ĐHSPHN. Khuôn viên khép kín trong ngôi nhà 2 tầng mà cha mẹ mua cho dường như đã trở thành cái xã hội duy nhất mà họ tiếp xúc. Ngoài đến trường, cả hai không giao tiếp với bất cứ ai. Hàng xóm có muốn nhìn mặt hai Kiều thì cái giờ phút duy nhất mà họ có thể gặp là lúc đi đổ rác nhưng công việc ấy cũng không thường xuyên vì có khi cả tuần họ mới đổ rác một lần. Chả thế mà họ không bao giờ có khách đến nhà. Xem phim và nhìn nhau, đấy là cuộc sống thật của họ và người ta bảo đó là cuộc đời của những hạt cơm nguội. “Tôi chẳng có gì để mà lo lắng cả. Công việc của bọn tôi đã có cha mẹ lo. Tôi cũng cảm thấy không nhất thiết phải chơi với ai cả. Tự do cá nhân là điều mà tôi tôn trọng nhất. Tôi thích cuộc sống của người phương Tây là vì vậy..." - Hà cho biết. Cô nói cũng có lý. Tự do cá nhân là cái mà nhân loại ai cũng coi trọng. Nhưng tự do cá nhân không có nghĩa là nép mình trong một cái tháp ngà hạnh phúc, giống như những con ốc mà không giao lưu, tiếp xúc với ai, không có niềm tin, không có hoài bão và cũng không làm gì cả.

Trường phái những con hổ

Khác với những kẻ thuộc trường phái thứ nhất, những kẻ thuộc trường phái này lại thích một cuộc sống phá cách. Họ chẳng mấy khi mơ ước vì quan niệm của họ là đời là mấy, cứ chơi thả phanh vì ngộ nhỡ chết bất đắc kì tử thì lại tiếc. Chả thế mà họ không giấu mình trong cái vỏ ốc mà thích tự mình giống như những con hổ là chúa tể của muôn loài, đặt mình ở trên mọi người và vì vậy mà cũng chẳng cần quan tâm xem người ta nói gì về mình. Chỉ đáng tiếc là những việc họ làm lại không những không đem lại lợi ích cho chính bản thân họ mà còn gây ảnh hưởng đến những người khác.

“Học không chơi phí đời tuổi trẻ” - N.T.Trung (21 tuổi), tuyên bố. Là một chàng trai Hà Nội gốc, cha là Giám đốc điều hành của một tập đoàn lớn, mẹ là giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn về vật liệu xây dựng, Trung không có gì phải băn khoăn về cuộc sống cũng như công việc sau này. Tối ngày cậu bù khú cùng bạn bè, tổ chức đua xe, cá độ và lắc. Trung nói rằng trên đời này cậu chẳng sợ gì cả, "Mình không bắt nạt chúng nó thì thôi chứ thằng nào dám lên mặt dạy đời mình...".

Nhắn tuổi 20

Từ ngày tham gia công tác đoàn của lớp, Lê Hà (ĐHKHTN) đã có cách nhìn khác hẳn về cuộc đời. Ngày trước Hà sống tẻ nhạt lắm. Cô chẳng chơi với ai và cũng chẳng tham gia vào bất cứ một hoạt động tập thể nào. Hà sống như một cái bóng và luôn mang trong tâm khảm triết lý: "Ta là một, là riêng, là thứ nhất. Không có ai bè bạn nổi cùng ta". Thế rồi từ khi tham gia vào hoạt động tình nguyện ở Thái Nguyên, Hà đã thay đổi. Cô sống cởi mở với mọi người và tìm cho mình một phong cách sống mới. "Tôi thấy mình thực sự đổi đời từ cái ngày đầu tiên tham gia tình nguyện cũng với lớp. Tôi chợt nhận ra rằng tôi không chỉ có một mình và cũng không thể sống một mình mà trước hết phải sống cho mình và sống cho cả mọi người nữa..." - cô tâm sự. Còn cô gái 20 tuổi N.T.T.Huyền sau những ngày sống buông thả, bỏ mặc cuộc đời mình trong những vũ trường, những đêm trắng với ECSTASY và men say giờ đã tỉnh lại. Huyền thở dài: "Tôi đã từng có tất cả, trừ một thứ là tình cảm và tôi trở thành kẻ chẳng có gì. Tôi triền miên trong những cuộc vui và những cuộc say. Tôi cũng đã từng sử dụng ma túy và cũng đã từng có thai với một gã sở khanh. Tôi đã tưởng mọi thứ đã kết thúc nhưng từ khi tôi gặp em, cô bé nhặt rác bên đường tôi đã nghĩ khác. Em không có cha, cũng chẳng có mẹ và cũng chẳng có lấy một người thân. Em đi nhặt rác kiếm tiền nhưng em vẫn sống vui vẻ và em ước mơ trở thành bác sĩ mặc dù em không biết mình có được đi học hay không nữa. Tôi chợt nhớ là mình đã từng ước mơ như em nhưng tôi đã bỏ quên nó lâu lắm rồi. Và tôi thấy mình cũng cần phải sống, ít nhất là cho xứng đáng với em...”. Bỏ lại sau lưng những kỷ niệm buồn, Huyền đã sống có ích hơn cho mình và giờ cô đang chuẩn bị sang Anh du học để làm bác sĩ - ước mơ giản dị ngày nào thành hiện thực.

Khi được hỏi cần đưa ra lời khuyên nào cho những thanh niên thuộc thế hệ 8X như thế này thì Nguyễn Thu Trang, cô cán bộ Đoàn xinh đẹp và năng động Khoa Báo chí (ĐHKHXH&NV) chia sẻ: “Nói như Xuân Diệu có nghĩa là: Trong cái ao đời phẳng lặng chúng ta nhảy múa, gào khóc quay cuồng để cho có việc; nếu không ta sẽ thấy một sự vắng vẻ vô cùng thê lương. Như thế thì sao chúng ta lại không sống cho có ích hơn. Đừng để cho tuổi 20 trôi qua một cách vô ích mà rồi đến một lúc nào đó ta lại tự hỏi mình là đã làm được gì cho đời và tự trách mình sao không làm khi ta đang còn trẻ...".

 Hải Phong - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 174, tháng 8/2005
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN (số 393) | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC